Lễ Gia Tiên luôn là phần không thể thiếu trong bộ nghi thức đón dâu Ngày Cưới. Lễ Gia Tiên được hiểu như sau: “gia” là gia đình, gia tộc – “tiên” là ông bà tổ tiên. Phong tụ này mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, được xem như hình thức ra mắt Cô Dâu Chú Rể mới với hai bên dòng họ.

01. Lễ Gia Tiên ở nhà trai (phần 1)

Sáng sớm ngày diễn ra Hôn Lễ, bên nhà trai sẽ thực hiện phần đầu của Lễ Gia Tiên. Thông thường, Cha Chú Rể (hoặc người cao tuổi được tin cẩn trong dòng họ) sẽ thắp hương (nhang) lên bàn thờ tổ tiên, miệng khấn xin báo rằng con/cháu trai trong nhà sẽ đón dâu mới. Chú Rể vái (xá) bày tỏ lòng thành kính. Sau đó, gia đình nhà trai xuất hành sang nhà gái.

nhung-viec-can-lam

1340867312_mam_qua_mien_bac

 

 

02. Lễ Gia Tiên ở nhà gái

vu-quy

 

Khi sang đến nhà gái và hoàn thành nghi thức trao quả (Mâm Quả Cưới), nhà trai được mời vào nhà, Cô Dâu đã xuất hiện, nghi thức Lễ Gia Tiên sẽ được tiến hành tương tự. Cha Cô Dâu sẽ thắp hương (nhang) và cặp nến (đèn cầy) long phụng lên bàn thờ tổ tiên, miệng khấn rằng con/cháu gái trong nhà sắp được đón đi bởi Chàng Rể mới. Cặp đôi cùng vái (xá) xin phúc đức từ tổ tiên.

Song song thời gian đó, những lễ vật nhà trai mang đến như Trầu Cau, trái cây, bánh kẹo… được trích phần ngon nhất dâng lên ông bà đã khuất.

Tiếp theo, Cô Dâu Chú Rể đi chào lần lượt từng người trong họ nhà gái, có thể dâng rượu để tỏ lòng kính trọng những người lớn trong gia đình. Mục đích của việc này là ra mắt Chàng Rể mới, ngược lại, chàng ta cũng cần biết những mối quan hệ thân thích bên nhà vợ.

Sau khi hai nhà trò chuyện hàn huyên, hoặc đến giờ lành để Cô Dâu xuất giá, Lễ Gia Tiên tiếp diễn bằng việc vái (xá) bàn thờ tổ tiên lần nữa, “xin phép” cho nhà trai đón Cô Dâu đi.

03. Lễ Gia Tiên ở nhà trai (phần 2)

Khi trở về đến nhà trai, cặp đôi sẽ phải đích thân thắp hương (nhang) báo với ông bà tổ tiên rằng đã đón được Nàng Dâu, “xin phép” nhập gia, từ nay xem như con cháu trong nhà.

094858_thanh_2

 

Lễ Gia Tiên thực chất là một quá trình kéo dài suốt buổi đón dâu, và là phần nghi thức không hề bị mai một qua thời gian. Dù Đám Cưới truyền thống hay hiện đại, có ảnh hưởng tôn giáo hay không thì tưởng nhớ và kính trọng ông bà tổ tiên vẫn luôn là phong tục vô cùng tốt đẹp trong văn hóa người Việt, điển hình là Lễ Gia Tiên trong Ngày Cưới.

Lễ Gia Tiên là một nghi thức quan trọng trong phong tục Cưới Hỏi, nên thường được mọi người chăm chút cẩn thận, từ việc chuẩn bị nghi thức lễ cho đến sắp xếp, trang trí nhà Ngày Cưới để buổi lễ thêm phần tôn nghiêm và long trọng.