Lễ gia tiên trong đám cưới là một trong những nghi thức có từ xa xưa và vẫn được giữ vững, phát huy trong lễ cưới hỏi hiện đại. Tùy theo phong tục, tập quán của các vùng miền khác nhau mà từ đó, bàn thờ lễ gia tiên cũng có sự khác nhau.
Mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những cách sắp xếp và trang trí bàn gia tiên khác nhau nhưng nhìn chung, một bàn lễ gia tiên ngày cưới cần phải được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ, bàn lễ có thể được phủ vải đỏ, treo chữ hỷ hay câu đối về ngày cưới để thêm phần trang trọng nhưng cần có đủ: lư đồng, bát nhang, trà, rượu, nhang thơm…
Bàn thờ lễ gia tiên ngày cưới với đầy đủ hoa tươi, trái cây, lư đồng…
Bên cạnh đó, vẫn có những điểm khác biệt trong cách bài trí bàn lễ gia tiên giữa các vùng miền khác nhau, tuy không nhiều nhưng cần sự quan tâm, lưu ý.
Miền Bắc: Bàn thờ cho lễ gia tiên là bàn thờ chính của gia đình, trước buổi lễ cần dọn dẹp sạch sẽ, có thể phủ thêm vải đỏ và câu đối. Trên bàn thờ phải có một mâm ngũ quả, có thể kết hình long phụng cho thêm phần long trọng, hoa tươi – thường là hoa lay ơn, một con gà luộc mổ moi và một đĩa xôi gấc đỏ. Ngoài ra, khi nhà trai rước được cô dâu về nhà, sẽ mang một phần mâm quả của tráp xin dâu, thường gọi là mâm lại quả và không có trầu cau, rượu, về sẽ thắp hương trên bàn thờ.
Bàn thờ lễ gia tiên miền Bắc thường được phủ vải đỏ để tăng thêm phần trang trọng
Miền Trung: Lễ cưới hỏi của người miền Trung thường đơn giản, không cầu kỳ với quan niệm “trọng lễ nghi khi tài vật”. Thường bàn lễ gia tiên được chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận, mâm lễ cúng sẽ có đầy đủ trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng và không thể thiếu bánh phu thê. Đàng trai nếu khá giả thì mâm lễ sẽ có thêm bánh kem và bánh dẻo chứ không cúng heo quay như nhiều nơi.
Ngày cưới ở miền Trung không thể thiếu bánh phu thê
Miền Nam: Với người miền Nam, lễ cưới là một dịp vô cùng quan trọng, yếu tố thẩm mỹ và lễ nghi đều được đặt lên cao. Thường các gia đình sẽ lập một bàn thờ giả ngay tại phòng khách rộng rãi nhất để đảm bảo được sự trang trọng. Bàn thờ gia tiên sẽ được treo phông đỏ, treo chữ hỷ và câu đối, cặp lư đồng đã được đánh bóng kỹ trước đó, cặp mâm quả hình long phụng kết tỉ mỉ, bình hoa lớn. Trên bàn thờ cũng có thể để ảnh tổ tiên, ông bà hoặc có thể bỏ trống.
Lễ gia tiên ở miền Nam với cặp long phụng kết tỉ mỉ
Lễ gia tiên miền Nam còn đặc biệt ở chỗ không thể thiếu một phụ kiện cưới, đó là cặp đèn cầy lớn khắc hình long phụng. Nhà trai sẽ chuẩn bị đôi đèn cầy này đặt trong mâm tráp đem qua nhà gái, nhà gái sẽ chuẩn bị sẵn một cặp chân nến và thắp trên bàn thờ tổ tiên trong ngày đón dâu. Thông thường, đèn cầy của người theo đạo Phật hoặc không theo đạo là đèn cầy long phụng màu đỏ, đèn cầy của người theo đạo Thiên Chúa thường là màu hồng.
Cặp nến đại long phụng là phần không thể thiếu
Xã hội phát triển, nghi thức lễ cưới ngày nay đã được giản lược đi rất nhiều thế nhưng lễ gia tiên là một phần không thể thiếu và vẫn được duy trì, giữ vững qua thời gian. Nó thể hiện sự kính trọng với tổ tiên, nguồn cội và cũng góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.