Điều quan trọng nhất khi lập dự toán là cô dâu chú rể phải tự trả lời được câu hỏi: ‘Ngân sách mình (tức là hai vợ chồng) có khả năng chi trả cho đám cưới là bao nhiêu?’.

Với kinh nghiệm tổ chức đám cưới nhiều năm, chị Như Cầm, wedding planner tại TP HCM sẽ chia sẻ cùng cô dâu và chú rể những điều cần biết để trả lời được câu hỏi quan trọng: “Chi phí đám cho một đám cưới là bao nhiêu?”. Những lời khuyên này có thể áp dụng khi uyên ương tự tổ chức đám cưới và cũng hữu ích ngay cả khi bạn tìm tới dịch vụ wedding planner. Khi đã biết được chi phí mình có thể chi ra, cặp đôi sẽ có cách tổ chức đám cưới khéo léo, hợp với kinh tế mà vẫn đảm bảo phong cách riêng.

Hơn 90% các cô dâu gần như đều có chung những câu hỏi:

– Chi phí cho một đám cưới là bao nhiêu?

– Một đám cưới trọn vẹn thì bao nhiêu là đủ?

– Em có xyz (VND/USD)… Như vậy có đủ cho đám cưới em mong muốn  không?

Nên hôm nay mình sẽ dành bài viết này để nói về một phần, mà theo mình là quan trọng nhất của một đám cưới: đó là ngân sách. Qua đó, các cô dâu chú rể có thể tự tìm thấy câu trả lời: “Chi phí cho một đám cưới là bao nhiêu”?

Wedding planner không phải là người có thể trả lời những câu hỏi đó, mà phải là chính bản thân cô dâu chú rể. Tuy nhiên, trước khi có thể đi vào chi tiết vấn đề ngân sách, mình sẽ thường phải hỏi bạn một số câu hỏi khác. Ví dụ như:

– Số lượng khách mời của bạn là bao nhiêu?

– Đối tượng khách mời là những ai? Bạn bè, người thân trong gia đình hay quan khách có liên quan đến công việc?

– Bạn chọn đãi tiệc ở đâu: nhà hàng, khách sạn hay một đám cưới kết hợp du lịch (destination wedding) ở đâu đó?

– Chi phí bạn có thể sử dụng cho một bàn tiệc hoặc để đãi tiệc vào khoảng bao nhiêu?

– Bạn muốn đám cưới mình sẽ như thế nào? Sang trọng, cầu kỳ hay chỉ cần đơn giản, ấm cúng?.

– Bạn có muốn trang trí theo ý mình hay sử dụng những gì nhà hàng đã có (hoặc có thể thay đổi) hay không?

– Bạn muốn mở nhạc bằng CD, thuê ban nhạc, hay mời một DJ?

Và còn nhiều những câu hỏi đại loại như vậy. Mỗi câu hỏi lại dẫn ra vài hướng giải quyết sẽ ảnh hưởng đến bảng dự toán kinh phí. Vì thế mình dám chắc, nếu cứ làm theo kiểu mò mẫm, tới đâu hay tới đó, hay nôm na là “mua bò rồi mới làm chuồng” như vậy, bạn sẽ khó có thể quản lý được ngân sách của mình một cách khoa học và hiệu quả.

Vậy tại sao ta không “làm chuồng rồi mới mua bò” nhỉ?

Thật ra, điều quan trọng nhất khi lập dự toán là cô dâu chú rể phải tự trả lời được câu hỏi: “Ngân sách mình (tức là hai vợ chồng) có khả năng chi trả cho đám cưới là bao nhiêu?”. Cụm từ “cho đám cưới” ở đây, mình nhấn mạnh là trọn vẹn mọi việc cho đám cưới, không phải chỉ là phần tiệc không thôi.