Theo phong tục của một số gia đình, nhà trai phải tổ chức Lễ Xin Dâu trước Lễ Đón Dâu (tổ chức thành hai ngày riêng biệt), còn một số gia đình khác lại gộp Lễ Xin Dâu và Lễ Đón Dâu làm một (tổ chức cùng một ngày). Cũng giống như Lễ Đính Hôn, Lễ Đón Dâu có những quy tắc và thủ tục riêng mà không phải gia đình nào cũng nắm rõ và nhớ hết. Chúng tôi sẽ giúp bạn tóm tắt trình tự Lễ Đón Dâu trong truyền thống Cưới Hỏi của người Việt để các cặp đôi cùng nắm rõ và vận dụng.

01. Lễ Xin Dâu:

Trước khi đến giờ đón dâu chính thức, vị đại diện nhà trai (trước đây thường là Mẹ Chú Rể) sẽ mang khay trầu rượu đến nhà Cô Dâu để làm Lễ Xin Dâu. Vị đại diện nhà gái (trước đây thường là mẹ Cô Dâu) sẽ nhận khay trầu rượu và mang lên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Đây là nghi lễ truyền thống Cưới Hỏi lâu đời, có ý nghĩa như lời chấp nhận chính thức đồng ý cho Cô Dâu về nhà chồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình muốn tranh thủ thời gian và đã có sự bàn bạc thỏa thuận trước với nhau, nên thường gộp Lễ Xin Dâu và Lễ Đón Dâu vào làm một nên vai trò của người đại diện thường được trao cho các vị cao niên được mọi người trong gia đình nể trọng để làm người chủ trì cho cả buổi Lễ (Chủ Hôn).

_ Nếu hai gia đình đã thống nhất nhập Lễ Xin Dâu và Lễ Đón Dâu vào làm một thì trước khi đến nhà gái, nhà trai chuẩn bị một khay trầu rượu, vị Chủ Hôn nhà trai sẽ cùng đi vào nhà gái với rể phụ để gặp vị Chủ Hôn nhà gái xin phép làm thủ tục xin dâu. Khi đã gộp hai lễ, Lễ Xin Dâu phải diễn ra rất nhanh để Lễ Đón Dâu được tiếp tục.

le

02. Màn chào hỏi, tuyên bố lý do:

_ Sau khi Lễ Xin Dâu đã xong, vị Chủ Hôn nhà gái cho người mời đoàn thể gia đình nhà trai vào nhà, cùng ổn định chỗ ngồi và mời nước các thành viên trong đoàn.

_ Chủ Hôn nhà trai sẽ giới thiệu thành phần tham dự Lễ Đón Dâu và trình bày nguyện vọng được đón Cô Dâu mới về nhà chồng.

_ Chủ Hôn nhà gái cũng sẽ có phần phát biểu đáp lại (gọi là đáp từ), đồng ý cho nhà trai đón Cô Dâu.

Không khí ấm cúng, thân tình của hai bên gia đình trong ngày Lễ Đón Dâu –

03. Cô Dâu ra mắt gia đình:

_ Sau khi đại diện hai nhà phát biểu xong, nhà gái cho phép Chú Rể được lên phòng đón Cô Dâu xuống chào họ hàng, vì cũng giống như trong Lễ Đính Hôn, trước khi Chú Rể lên đón, Cô Dâu không được xuất hiện. Tuy nhiên cũng có gia đình, Chú Rể không được lên đón Cô Dâu mà Cô Dâu sẽ được mẹ, hoặc dì dẫn ra. Cũng có gia đình, vì người cha của Cô Dâu quá thương con gái nên sẽ tự mình dắt con gái ra trao cho chàng rể.

hoi

 

_ Chú Rể khi vừa gặp mặt sẽ trao tặng bó hoa cưới cho Cô Dâu.

04. Cô Dâu Chú Rể mời nước họ hàng và thắp hương tại nhà gái:

_ Sau khi chào quan viên thân tộc hai gia đình, Cô Dâu Chú Rể sẽ cùng nhau rót nước mời các bậc cao niên của hai nhà.

_ Tiếp đến, bố mẹ Cô Dâu hướng dẫn Cô Dâu Chú Rể thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Tại miền Nam, trong đám cưới còn có một phong tục quan trọng không thể thiếu, đó là nhà trai phải mang một đôi nến to (đèn cầy) có hình Long Phụng để thắp trên bàn thờ nhà gái, còn nhà gái chịu trách nhiệm chuẩn bị chân nến (chân đèn). Các loại chân cắm và nến này đều phải có cùng kích cỡ với nhau.

05. Nhà gái căn dặn Cô Dâu trước khi về nhà chồng và Lễ Đón Dâu kết thúc:

_ Mẹ Cô Dâu sẽ căn dặn con gái một số điều trước khi về nhà chồng và tặng quà hồi môn như kiềng vàng, nhẫn…

_ Sau khi thủ tục dặn dò, trao quà đã xong, Chủ Hôn nhà trai sẽ phát biểu, xin phép được đón Cô Dâu về nhà chồng. Một số nơi còn có phong tục khi Cô Dâu bước ra cửa theo chồng, Cô Dâu không được ngoái đầu lại nhìn về nhà mẹ.

_ Sau đó, một số thành viên trong gia đình nhà gái cũng sẽ theo đoàn nhà trai đưa Cô Dâu về nhà chồng. Theo tục lệ truyền thống, bố Cô Dâu sẽ là người đưa con gái về nhà chồng, mẹ đẻ không đi đưa dâu, nhưng ngày nay thì ít nơi còn tục lệ này.

dam

Mẹ chồng trao quà cho con dâu trong Lễ Đón Dâu ngày cưới –

06. Làm lễ ra mắt Cô Dâu mới và tiến hành Lễ Thành Hôn tại nhà trai:

_ Khi về đến nhà Chú Rể, đại diện nhà trai sẽ giới thiệu các thành viên tham dự Lễ Thành Hôn.

_ Đại diện nhà gái cũng giới thiệu thành phần gia đình có mặt trong Lễ Thành Hôn.

_ Đại diện nhà trai hướng dẫn Cô Dâu Chú Rể thắp hương trên bàn thờ tổ tiên.

_ Đại diện nhà trai sẽ tặng quà cưới cho Cô Dâu Chú Rể.

_ Đại diện nhà trai sẽ đưa Cô Dâu Chú Rể và họ hàng nhà gái lên xem phòng tân hôn. Ý nghĩa của việc này là nhà trai sẽ cho nhà gái thấy hoàn cảnh, điều kiện gia đình mới mà Cô Dâu sẽ gắn bó trọn đời.

_ Khi đưa Cô Dâu Chú Rể lên phòng tân hôn, một số gia đình còn chuẩn bị lễ trải giường tân hôn cho cặp uyên ương mới trước sự chứng kiến của gia đình nhà gái. Nghi lễ trải giường cưới phải do một người phụ nữ trong gia đình họ nhà trai thực hiện, đặc biệt, người này phải có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và phải sinh được cả con gái, con trai. Theo người xưa quan niệm, những người phụ nữ như vậy sẽ đem đến hạnh phúc và con đàn cháu đống cho đôi uyên ương.

_ Nếu không làm nghi thức này, gia đình nhà trai có thể trải giường, chuẩn bị phòng tân hôn trước khi đi đón dâu.

_ Có quan niệm, khi đón dâu về nhà, mẹ chồng không nên giáp mặt Cô Dâu mới, để tránh xung khắc sau này. Nhưng đây là một quan niệm cổ hủ, lạc hậu và cần loại bỏ.

cuo

Cô Dâu Chú Rể cùng bố mẹ thắp nhang, cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên –

07. Cô Dâu Chú Rể mời nước hai gia đình, Lễ Thành Hôn kết thúc:

_ Đôi vợ chồng trẻ sẽ rót nước mời các vị quan khách tham gia Lễ Thành Hôn.

_ Nhà gái dặn dò Cô Dâu về cuộc sống tại nhà chồng sau này.

_ Nếu hai gia đình tổ chức tiệc cưới chung tại khách sạn, nhà hàng, sau khi Lễ Thành Hôn kết thúc, cả hai sẽ cùng đến tiệc cưới. Nếu hai nhà tổ chức riêng, nhà gái phát biểu, xin phép ra về và cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống của Cô Dâu mới.