Nếu như miếng trầu là tục truyền thống trong lễ dạm ngõ thì mâm quả trong ngày cưới lại là một nét đẹp truyền đời tô thắm thêm hạnh phúc lứa đôi.
Theo chân các cụ trong ngày cưới của một người anh, chị, em trong nhà, bạn sẽ thấy ông bà rất kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị mâm quả.
Chuẩn bị mâm quả
Từ số lượng mâm quả, cách chọn lễ vật, cách sắp mâm quả cho đến cách trao và nhận mâm quả đều phải được xem xét cẩn thận.
Tùy từng địa phương khác nhau và gia cảnh của mỗi nhà, số lượng mâm quả trong ngày cưới và cách trình bày mâm quả sẽ có những khác biệt. Thông thường, số mâm quả bao nhiêu sẽ do nhà gái yêu cầu và có sự chấp thuận của bên nhà trai để cả hai bên đều thuận hòa vi quý.
Về cách sắp mâm quả, ở miền Bắc, mọi người luôn lấy số lẻ, ít nhất là 3 tráp và thường mọi người sẽ chọn từ 5 – 7 tráp. Nếu có điều kiện, gia đình có thể đặt số mâm quả từ 11 – 13 tráp. Trong đó, các lễ vật phải là số chẵn và bao gồm: trầu cau, cốm/bánh đậu xanh, chè, lợn quay/ Gà luộc, xôi gấc, mứt sen trần, rượu và thuốc lá, hoa quả.
Riêng ở miền Nam, số lượng mâm quả trong ngày cưới phải là số chẵn và thường mọi người sẽ chọn số 8. Trong bộ mâm quả, các tráp có đủ sính lễ: trầu cau, trà rượu, bánh phu thê, trái cây, bánh kem, xôi gấc, áo, vàng vòng và nhẫn cưới.
Tuần tự trao mâm quả trong ngày cưới
Trong đám hỏi, nhà trai sẽ có đội bê tráp, mang theo mâm quả đã chuẩn bị đến nhà gái. Để đáp lại, nhà gái cũng phải chuẩn bị đội đón tráp tương ứng với số lượng mâm quả.
Sau khi được trao, những mâm quả sẽ theo đội đón tráp nhà gái vào nhà và được dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Lúc này, người lớn trong họ sẽ làm các nghi lễ và chào họ.
Trước khi nhà trai về, nhà gái sẽ chia lại một nửa lễ vật trong tất cả các mâm quả cho nhà trai mang về. Đây là tục lại quả trong một đám cưới hỏi truyền thống.
Dưới đây là tuần tự trao mâm quả trong ngày cưới:
Bước 1: Chuẩn bị
– Gia đình hai bên thỏa thuận và thống nhất số lượng mâm quả/ tráp
– Nhà trai chuẩn bị lễ vật và tìm đội bê tráp
– Nhà gái tìm đội bê tráp
Bước 2: Rước tráp
– Nhà trai tính toán đường đi theo giờ đẹp để từ nhà mang tráp đến đàng gái.
Bước 3: Trao quả
– Đúng giờ đẹp, xếp đội hình theo thứ bậc: ông bà, bố mẹ, cô, bác, chú rể, đội bê tráp và người đi họ
– Hai bên gia đình chào hỏi
– Đội bên táp nam trao mâm quả cho đội đỡ tráp nữ để đưa mâm quả vào nhà.
– Hai đội bê tráp nhận phong bao lì xì từ mẹ chú rể và mẹ cô dâu, sau đó trao cho nhau để trả duyên (nam, nữ bê tráp sẽ được gán là vô duyên).
Bước 4: Nhận quả và mở quả
– Sau khi tráp được trao, hai bên gia đình cùng ngồi uống nước và trò chuyện. Trong buổi nói chuyện này nhằm giới thiệu các bậc cao niên và người đảm trách chính trong buổi lễ.
– Đại diện nhà trai sẽ phát biểu lý do. Đại diện nhà gái cảm ơn và chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai.
– Mẹ chú rể và mẹ cô dâu cùng mở tráp.
Bước 5: Cô dâu ra mắt hai họ
– Mẹ cô dâu dẫn cô dâu ra ra mắt hai họ
– Cô dâu chào hỏi hai họ và rót nước mời các bậc cha chú bên gia đình chú rể. Chú rể cũng làm tương tự với bên họ nhà gái.
Bước 6: Làm lễ gia tiên nhà gái
– Sau màn ra mắt, mẹ cô dâu đưa một số lễ vật để cô dâu dâng lên ban thờ tổ tiên.
– Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể đến thắp hương trên bàn thờ nhà gái.
Bước 7: Bàn bạc về lễ cưới
– Hai bên gia đình bàn về ngày giờ đón dâu và lễ cưới.
– Trong thời gian người lớn nói chuyện, cô dâu chú rể mời nước quan khách.
Bước 8: Lại quả
Lại quả phải mở nắp
– Nhà gái chia đôi lễ vật trong mỗi mâm quả. Khi chia, chỉ được phép xé bằng tay và lại quả theo số chẵn. Trước khi trao đặt mâm tráp ngửa nắp và để hờ.
– Nhà gái lại quả cho nhà trai và nhà trai xin phép ra về.
Như vậy, tuần tự trao mâm quả trong ngày cưới cũng đã bao gồm nhiều phong tục truyền thống mà bao đời vẫn giữ đến nay như một nét đẹp trong các lễ cưới hỏi.
Tochuctieccuoi tổng hợp