Cưới hỏi là chuyện trọng đại trong đời người. Vì thế lễ lạc cũng lắm, kiêng kỵ cũng nhiều. Nhưng tất cả đều nhằm tránh mọi chuyện xui rủi, hy vọng đôi lứa được gắn bó, hạnh phúc cả đời.
Những điều kiêng kỵ sau là phổ biến nhất, được nhiều người biết đến và thực hành hiện nay.
1. Không cưới khi nhà đang có tang
Con cái trong gia đình phải để tang cha mẹ mình ba năm, cháu để tang ông bà 1 năm. Vì vậy trong thời gian này không thể tổ chức ăn uống vui chơi linh đình, đám cưới thì càng kiêng kỵ.
Do đó mà nếu trong nhà có người trưởng thành đã đến tuổi phải lập gia đình, nếu đợi ba năm sẽ trễ muộn thì phải cưới chạy tang nếu có cha mẹ đau ốm nặng.
Lúc này lễ cưới cũng làm đơn giản, đủ các nghi thức cần thiết dưới sự chứng kiến của những người thân thiết mà thôi.
2. Không mời cưới khi chưa tổ chức lễ ăn hỏi
Dạm hỏi rồi mới cưới xin là những thủ tục bắt buộc. Theo đó, phải sau lễ dạm hỏi thì nhà gái mới được đi mời cưới bạn bè gần xa, nếu mời trước thì bị xem như là vô duyên. Tuy nhiên, quy tắc này lại không áp dụng cho nhà trai.
Trước đây, gửi thiệp mời đám cưới trước khi tổ chức ăn hỏi bị xem là vô duyên
Nhưng hiện nay một số cặp đôi tổ chức hỏi và cưới liền nhau chỉ vài ngày nên bắt buộc gia đình gái phải mời khách trước, quan niệm trên vì vậy mà cũng không còn giữ được vị trí như xưa.
3. Không cưới vào năm Kim Lâu
Năm Kim Lâu là năm cô dâu có các số 1,3,6,8 trong tuổi (tính theo cách 9 ô). Quan niệm cho rằng kết hôn vào những năm này sẽ xui xẻo, hôn nhân không được bền vững và may mắn, con cái cũng không được phước lộc… Nhưng bên cạnh đó, một số người lại cho rằng vẫn có thể cưới chồng vào năm này được nếu đã qua ngày đông chí.
4. Cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào đón
Cô dâu và chú rể không gặp mặt nhau trước lễ cưới là truyền thống được duy trì nguyên vẹn cho đến ngày nay. Trước khi chú rể vào, tặng hoa và đón cô dâu ra buổi lễ chính thức thì cô dâu phải tránh đi để không bị mất duyên.
5. Không để mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng
Cô dâu về nhà chồng sẽ do bố ruột đưa đi
Một niềm tin rằng nếu mẹ đẻ đưa con về nhà chồng thì sẽ lấn át đi quyền uy của mẹ chồng. Do đó, thường thì bố cô dâu sẽ là người đưa con sang sông.
6. Không để cô dâu có bầu đi vào nhà từ cửa chính
Rất nhiều gia đình vẫn bắt con dâu đã có thai không được đi vào bằng cửa chính mà phải đi vào cửa sau hoặc bước qua một chậu bồ kết nướng với than. Lý giải điều này để nhằm tránh cho gia đình đằng trai gặp xui xẻo sau này, nhất là trong chuyện làm ăn.
7. Mẹ chồng kiêng chạm mặt con dâu khi đoàn rước dâu vừa về tới nhà
Mẹ chồng phải cầm bình vôi lánh đi khi con dâu bước vào cửa. Ngày nay thì mẹ chồng thường thay bình vôi bằng chùm chìa khóa. Điều này có nghĩa là mẹ chồng tuy đón con dâu vào nhà nhưng vẫn nắm quyền làm chủ trong nhà. Bình vôi hay chùm chìa khóa biểu tượng cho tài sản trong gia đình.
Do đó, mẹ chồng sẽ lánh đi cho đến khi hai họ đã yên vị thì mới xuất hiện để chào hỏi và làm lễ.
8. Lưu ý đem theo kim và tiền lẻ để trải dọc đường
Kim và tiền lẻ được mẹ cô dâu chuẩn bị để cô dâu rải trên đường rước dâu, khi qua ngã ba, ngã tư và cầu, để cầu bình an, hạnh phúc, giàu sang và may mắn sau này cũng như giải trừ xui xẻo.
Thường có khoảng 7 đến 9 chiếc kim được rải trên đường đi.
Một niềm tin khác cũng cho rằng việc mang theo kim còn phòng ngừa để chữa trị cho chú rể nếu bị trúng gió bằng cách đâm vào xương cụt.
9. Kiêng đổ vỡ đồ vật trong đám cưới
Ly vỡ là điềm xấu cho ngày cưới
Đổ vỡ gương, cốc hay gãy đũa là điềm xui xẻo, báo hiệu cho cuộc sống hôn nhân không êm đềm của đôi vợ chồng trẻ. Do đó đồ vật vỡ trong đám cưới là một trong những điều kiêng kỵ.
10. Đầu giường và hai bên thành giường tân hôn không được đối chiếu với gương lớn
Gương lớn đặt ở các vị trí này sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của vợ chồng.
Ngoài ra, giường cưới cũng không được kê ở mé tây của phòng và không kê giường đối diện với cửa ra vào. Vị trí này có thể gây ra lâm lý bất an, đau đầu. Hơn nữa, giường cũng không nên kê dưới xà ngang, tuy nhiên nếu có trần giả che kín thì không sao.