Nếu bạn không muốn mình trở thành một “kẻ hủy diệt” trong ngày vui của cô dâu, chú rẻ, có những điều tuyệt đối bạn không nên nói.
Đám cưới là ngày trọng đại nhất, ngày gắn kết hai con người yêu nhau sống trọn đời bên nhau. Với họ và cả gia đình, đây thực sự là ngày tuyệt vời.
Thật không may, trong đám cưới có hàng tá lí do để biến khoảnh khắc đáng nhớ của họ trở thành một điều tồi tệ. Một trong những nguyên nhân đó là từ những câu nói “kém duyên” của khách mời.
Trong đám cưới, bạn có thể bước tới, trò chuyện cùng cô dâu, chú rể. Hãy dành cho họ những lời khen ngợi về vẻ ngoài rạng rỡ, tươi vui. Rằng cô dâu xinh đẹp như một nàng công chúa, chú rể thật sự là người bảnh bao và may mắn, đám cưới của họ thật tuyệt vời, đón tiếp rất nồng hậu… Tuy nhiên, trong đám cưới của họ có một vài điều bạn không thực sự nên nói. Bạn có thể có ý tốt nhưng lời nói của bạn có thể khiến cho cuộc trò chuyện kết thúc trong cảm giác tồi tệ.
Nếu bạn không muốn mình trở thành một “kẻ hủy diệt” trong ngày vui của bạn mình, tuyệt đối đừng nhắc tới những điều sau:
Cưới xong hai vợ chồng sinh con luôn thôi!
Với câu nói này, bạn chính thức trở thành vị khách tệ nhất đám cưới!
Ai cũng biết, theo truyền thống, các cặp đôi sẽ sinh con sau khi kết hôn nhưng sao lại phải nói về đó trong ngày cưới? Đó là câu hỏi mà các cặp vợ chồng cảm thấy sợ phải nghe nhất. Có rất nhiều điều chi phối kế hoạch sinh con này vì vậy đừng tạo áp lực cho họ ngay trong ngày hạnh phúc nhất. Hãy để câu hỏi đó cho một thời gian sau, khi gặp lại hai vợ chồng hỏi cũng không muộn.
Liên tục chê bai đồ ăn trong đám cưới
Ăn đám cưới là một truyền thống. Trên thực tế, đây không phải là một cuộc thi ẩm thực mà ở đó bạn là ban giám khảo đưa ra các bình luận. Nếu bạn cảm thấy món ăn trong bữa tiệc không thực sự phù hợp với khẩu vị của mình, bạn hoàn toàn có thể ăn ít đi một chút và thay vào đó là tận hưởng không khí của đám cưới. Đừng cố ăn tất cả các món rồi ngay lập tức chê bai món này mặn, món kia nhạt, món nọ không ngon…
Hãy nhớ, bạn đi đám cưới để chúc mừng cho cặp đôi mà bạn quen chứ không phải đi chấm điểm chương trình ẩm thực.
“Này, đám cưới sang thế này có tốn nhiều tiền không?”
Bạn cảm thấy ấn tượng với đám cưới vì sự thanh lịch, sang trọng hay đầu tư kĩ lưỡng của nó, bạn băn khoăn về chi phí để có được những điều tuyệt vời này và lao ra hỏi… cô dâu hoặc chú rể là khi bạn đã phạm sai lầm. Điều tế nhị này không phải là lúc được đưa ra bàn bạc và trao đổi trong khoảnh khắc họ đang vui vẻ chào đón cuộc sống đôi lứa.
Nếu bạn thực sự cần tham khảo thông tin vì bạn cũng muốn lên kế hoạch cho đám cưới của mình, hãy đợi sau khi họ cưới xong một vài tuần. Bạn hoàn toàn có thể hẹn họ đi cà phê, điện thoại cho họ hỏi về cuộc sống sau khi cưới thế nào, nhân tiện đó xin thông tin về chi phí tổ chức đám cưới, địa chỉ cần thuê ở đâu… để làm danh sách cho mình.
“Ơ, bạn không mời A/B/C? à?”
Bạn có thể nghĩ rằng người bạn A/B/C đó có liên quan tới cô dâu chú rể, kiểu như một người bạn thời thơ ấu, một đồng nghiệp cùng phòng, bạn hồi đại học… sao cô dâu, chú rể lại không mời? Bạn tiến tới và hỏi lí do vì sao không mời thế? Trời ơi, điều đó thật tệ hại trong đám cưới.
Bạn không phải là cô dâu, chú rể để biết được mối quan hệ nào là thực sự cần thiết. Hơn nữa, cặp đôi đó có thể muốn tổ chức một đám cưới đơn giản, tiết kiệm nên họ cắt giảm những mối quan hệ không quá thân thiết. Câu hỏi của bạn sẽ làm khó cô dâu, chú rể và khiến họ cảm thấy ngại. Đừng biến mình thành kẻ vô duyên như thế!
Phát biểu thiếu kiểm soát vì say rượu
Trong đám cưới, cô dâu, chú rể thường tin tưởng một vài người thân, người bạn lên tặng các bài hát, hoặc phát biểu đôi lời về cảm xúc của họ trong ngày vui này. Đây thực sự là một “hiểm họa” nếu người khách đó nói những lời mất kiểm soát vì… say rượu.
Nếu bạn được tín nhiệm trao nhiệm vụ lên trên lễ đài để dành tặng cô dâu, chú rể một bài hát, nhớ đừng uống quá nhiều rượu rồi nói những lời không đâu vào đâu. Hãy đơn giản, ngắn gọn và chuẩn mực. Ngay cả khi bạn không say thì cũng đừng nói quá dài, lê thê, không đúng trọng tâm, những câu chuyện hài vô duyên kiểu như nhắc lại ngày xưa chú rể từng… yêu ai đó. Đừng biến đám cưới của người bạn trở thành một ngày tồi tệ vì những phát ngôn của bạn.
Đừng mang theo một vị khách không mời mà đến
Bạn không muốn đi dự đám cưới một mình và vì thế bạn kéo theo một người bạn nào đó của mình mà không hề báo trước. Điều này không chỉ khiến cô dâu, chú rể bị động trong việc tiếp đón mà còn khiến chính người bạn của mình trở nên lạc lõng trong bữa tiệc.
Nếu bạn thực sự muốn đưa một nửa của mình cùng đi, hãy nói một cách vui vẻ với cô dâu, chú rể ngay từ khi được mời để họ sắp xếp và tính toán thay vì bất ngờ đưa tới và làm họ rối bời.
“Không, tôi không ngồi vào bàn đó đâu”
Đi ăn tiệc cưới là lúc bạn sẽ được sắp xếp vào các bàn tiệc. Thật may mắn khi bạn ngồi với một nhóm người mà bạn quen biết hoặc chí ít bạn cảm thấy phù hợp. Nhưng cũng có đôi chút bất tiện khi bạn phải ngồi cùng những người mình chưa quen.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà phản ứng dữ dội khi cô dâu, chú rể mời bạn ngồi vào một bàn tiệc nào đó. Thực ra, khi cô dâu, chú rể đề nghị bạn ngồi chỗ đó, là vì họ nghĩ bạn là một người cởi mở, thú vị, bạn có thể hòa đồng với những người xa lạ khác trong bàn. Nếu bạn thực sự phải ngồi vào một bàn mình không quen ai cả, hãy coi đó là cơ hội để mình làm quen với những người mới thay vì chối đây đẩy: “Tôi không ngồi bàn này đâu”. Bạn vừa làm khó cô dâu, chú rể, vừa làm mất mặt những người đang ngồi ở đó và tự biến mình trở thành kẻ đáng ghét.